Kiệt tác "Truyện Kiều" của Nguyễn Du nguyên có tên là “Đoạn trường
tân thanh”. Đây là tác phẩm truyện thơ nôm lục bát viết dựa trên cốt
truyện "Kim Vân Kiều truyện" của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc). Mượn
bối cảnh xã hội Trung Quốc đời nhà Minh (Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh)
nhưng Truyện Kiều chính là bức tranh rộng lớn về cuộc sống thời đại lúc
nhà thơ đang sống.
Tác phẩm gồm 3254 câu lục bát kể về cuộc đời 15 năm lưu lạc, chìm nổi
của Thúy Kiều, người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng vì gia biến phải
bán mình chuộc cha, rơi vào cảnh “Thanh y hai lượt, thanh lâu hai lần”,
bị các thế lực phong kiến dày xéo, chà đạp.
Về giá trị hiện thực, tác phẩm đã phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến
bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con
người, đặc biệt là người phụ nữ trong xã hội Việt Nam những năm cuối thế
kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX.
Về giá trị nhân đạo, Truyện Kiều là tiếng nói đề cao tình yêu tự do,
khát vọng công lí và ngợi ca vẻ đẹp của con người. Viết Truyện Kiều,
Nguyễn Du thể hiện ước mơ đẹp đẽ về một tình yêu tự do, trong sáng,
chung thủy trong xã hội mà quan niệm về tình yêu, hôn nhân còn hết sức
khắc nghiệt. Mối tình Kim - Kiều được xem như là bài ca tuyệt đẹp về
tình yêu lứa đôi trong văn học dân tộc.
Truyện Kiều còn là bài ca ca ngợi vẻ đẹp của con người. Đó là vẻ đẹp
của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha,
thủy chung, chí khí anh hùng… Thúy Kiều, Kim Trọng, Từ Hải là hiện thân
cho những vẻ đẹp đó. Thông qua nhân vật Từ Hải, người anh hùng hảo hán,
một mình dám chống lại cả xã hội bạo tàn, Nguyễn Du còn thể hiện khát
vọng công lí tự do, dân chủ giữa một xã hội bất công, tù túng.
Cùng với đó, Truyện Kiều còn là tiếng nói lên án các thế lực tàn bạo,
chà đạp lên quyền sống con người. Thế lực đó được điển hình hóa qua các
nhân vật như Mã Giám Sinh, Sở Khanh, Tú Bà, qua bộ mặt quan tham như Hồ
Tôn Hiến... Đó còn là sự tàn phá, hủy diệt của đồng tiền trong tay bọn
người bất lương tàn bạo, nó có sức mạnh đổi trắng thay đen, biến con
người thành thứ hàng hóa để mua bán, chà đạp.
Về giá trị nghệ thuật, Nguyễn Du đã kết hợp tài tình tinh hoa của
ngôn ngữ bác học với tinh hoa của ngôn ngữ bình dân. Với Truyện Kiều,
tiếng Việt và thể thơ lục bát dân tộc đã đạt tới đỉnh cao rực rỡ của
nghệ thuật thi ca. Vì thế, Truyện Kiều là sự kết tinh thành tựu nghệ
thuật văn học dân tộc trên các phương diện ngôn ngữ, thể loại. Công đóng
góp của Nguyễn Du về phương diện ngôn ngữ là có một không hai trong
lịch sử.
Nghệ thuật tự sự trong Truyện Kiều cũng đã đã có bước phát triển vượt
bậc, từ nghệ thuật dẫn chuyện đến nghệ thuật miêu tả thiên nhiên, khắc
họa tính cách nhân vật và miêu tả tâm lí con người. Nhà nghiên cứu Phan
Ngọc cho rằng Truyện Kiều là cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tiên của văn
học Việt Nam.
Trong lời tựa cuốn Truyện Kiều ra mắt lần đầu tiên vào năm 1820, Mộng
Liên Đường chủ nhân (Nguyễn Đăng Tuyển, 1795-1880) đã viết: “… Tố Như
tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết,
nếu không phải có con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn
đời, thì tài nào có bút lực ấy…”.
Với những giá trị to lớn ấy, hàng trăm năm nay, Truyện Kiều luôn được
lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc
giả từ trí thức tới người bình dân, làm lay động trái tim của bao thế hệ
người Việt Nam, là cảm hứng sáng tác cho rất nhiều những tác phẩm thi
ca, nhạc họa sau này.
Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt
ra khỏi bờ cõi của một quốc gia, trở thành một phần của tinh hoa của văn
hóa nhân loại, ghi dấu ấn văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Với
Truyện Kiều nói riêng và toàn bộ trước tác của Nguyễn Du nói chung, ông
được các thế hệ người Việt Nam tôn vinh là Đại thi hào dân tộc, Hội đồng
Hòa bình thế giới vinh danh là Danh nhân văn hóa thế giới.
Đánh giá về Truyện Kiều, trong Lời đầu sách Từ điển Truyện Kiều
(1974), Giáo sư Đào Duy Anh viết: "Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn
học VN, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho
ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt
nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại của nước ta.
Với Truyện Kiều của Nguyễn Du, có thể nói rằng ngôn ngữ Việt Nam đã
trải qua một cuộc thay đổi về chất và đã tỏ rõ khả năng biểu hiện đầy đủ
và sâu sắc... Nguyễn Du sinh quán ở Thăng Long, tổ quán ở Nghệ - Tĩnh,
mẫu quán ở Bắc Ninh, đã nhờ những điều kiện ấy mà dựng lên được một ngôn
ngữ có thể nói là gồm được đặc sắc của cả ba khu vực quan trọng nhất
của của văn hóa nước ta thời trước".
Còn Giáo sư - Nhà giáo Nhân dân Lê Đình Kỵ, người được xem là "chuyên
gia Truyện Kiều" đã có những trang văn nhận định thú vị: "Truyện Kiều
nổi lên so với những giá trị văn học đương thời, và khiến sáng tác của
Nguyễn Du gần với chúng ta ngày nay, về cả nội dung và hình thức nghệ
thuật. Nhưng dù sao thì Nguyễn Du vẫn là người của thời đại mình, không
thể thoát ly hoàn cảnh xã hội, lịch sử cụ thể, về cả hệ tư tưởng lẫn
phương pháp nghệ thuật, thể hiện ở xu hướng lý tưởng hóa, ước lệ. Điều
này khó tránh trong tình hình sáng tác chung, trong trình độ tư duy nghệ
thuật chung đương thời... Trước sau Truyện Kiều vẫn là di sản vĩ đại,
là tuyệt đỉnh của nền văn học dân tộc quá khứ. Quan điểm lịch sử cũng
như đòi hỏi muôn đời của giá trị văn học đều cho phép ta khẳng định điều
đó".
Hiện nay, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới,
trong đó tiếng Pháp có trên 10 bản dịch, tiếng Anh và tiếng Hàn Quốc
trên 10 bản, tiếng Nhật 5 bản…
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét